Quản lý trường đại học đa phân hiệu ở Việt Nam trong bối cảnh kinh tế - xã hội hiện nay

http://repository.vnu.edu.vn/handle/VNU_123/7540

Trên cơ sở lý luận về lý thuyết tổ chức và quản lý, chỉ ra thực trạng về cơ cấu tổ chức và cơ chế quản lý, về các điều kiện đảm bảo hoạt động, đặc biệt là hoạt động đào tạo của các trường đại học đa phân hiệu. - Đề xuất được các giải pháp hoàn thiện cơ cấu tổ chức và cơ chế quản lý, các điều kiện đảm bảo hoạt động của trường đại học đa phân hiệu, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo tại phân hiệu đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực. Sự hình thành và phát triển các trường đại học đa phân hiệu trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng xuất phát từ yêu cầu khách quan về đào tạo nguồn nhân lực cho sự nghiệp phát triển KT-XH trong bối cảnh hiện nay, góp phần tạo nên sự bình đẳng và công bằng đối với cơ hội thụ hưởng giáo dục đại học. Các yếu tố chủ yếu cấu thành trường đại học đa phân hiệu gồm: mục tiêu hoạt động, cơ cấu tổ chức, cơ chế quản lý, đội ngũ nhân lực, cơ sở vật chất, môi trường hoạt động, hệ thống thông tin quản lý và phương thức kiểm soát chất lượng. Các yếu tố này có các đặc điểm khác với các trường đại học không có phân hiệu. Nghiên cứu về quản lý của các trường đại học đa phân hiệu (theo giới hạn nghiên cứu của đề tài luận án) là nghiên cứu về các hoạt động thiết lập cơ cấu tổ chức và cơ chế quản lý, quản lý hoạt động đào tạo và quản lý các hoạt động mang tính phương tiện và điều kiện hoạt động. Nói cách khác, các lĩnh vực quản lý của trường đại học đa phân hiệu bao gồm thiết lập cơ cấu tổ chức và cơ chế quản lý, quản lý hoạt động đào tạo và quản lý các hoạt động mang tính phương tiện và điều kiện cho hoạt động đào tạo. Thiết lập cơ cấu tổ chức, cơ chế quản lý đảm bảo chất lượng các hoạt động của trường đại học đa phân hiệu phải dựa trên lý thuyết quản lý một tổ chức; đó là lựa chọn trong các loại (dạng) cơ cấu tổ chức, phải đảm bảo các mối quan hệ và các nguyên tắc quản lý chủ yếu. Các yếu tố tác động đến quản lý của trường đại học đa phân hiệu gồm luật pháp, chính sách phát triển giáo dục đại học, điều lệ nhà trường và các quy chế về giáo dục đại học; cơ cấu tổ chức và cơ chế quản lý, phẩm chất và năng lực đội ngũ nhân lực của trường; cơ sở vật chất và thiết bị đào tạo; môi trường hoạt động của trường; công nghệ thông tin và truyền thông. Quản lý của các trường đại học đa phân hiệu như thế nào để nâng cao chất lượng đào tạo tại các phân hiệu, góp phần đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho sự nghiệp phát triển KT-XH, đảm bảo bình đẳng và công bằng về cơ hội thụ hưởng giáo dục đại học. Để giải quyết được vấn đề đã đặt ra, trên cơ sở định hướng của cơ sở lý luận nêu trên, phải nhận biết được thực trạng cơ cấu tổ chức, cơ chế quản lý và các hoạt động mang tính phương tiện và điều kiện hoạt động của các trường đại học đa phân hiệu tại Việt Nam. Các kết quả nghiên cứu thực trạng quản lý của các trường đại học đa phân hiệu tại Việt Nam cho thấy: - Các trường đại học đa phân hiệu tại Việt Nam thực sự đã đóng góp một phần không nhỏ vào đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ phục vụ cho sự nghiệp phát triển KT-XH của cộng đồng và địa phương; mở ra nhiều cơ hội học tập cho người học ở các vùng sâu, vùng xa, vùng còn khó khăn về kinh tế, tạo sự bình đẳng và công bằng trong giáo dục. - Cơ cấu tổ chức và cơ chế quản lý của các trường đại học đa phân hiệu theo lý thuyết quản lý thì có nhiều đặc trưng của cơ cấu tổ chức trực tuyến - chức năng liên hợp; tuy nhiên lại có sự đa dạng về số lượng các đơn vị; tên gọi các vị trí quản lý, tên gọi các đơn vị và phân bổ chức năng, nhiệm vụ cho mỗi đơn vị tại phân hiệu. Sự đa dạng về cơ cấu tổ chức và cơ chế quản lý đó có ảnh hưởng đến chất lượng mọi hoạt động của phân hiệu, nhất là chất lượng đào tạo tại các phân hiệu thấp hơn so với cơ sở chính; đồng thời các hoạt động mang tính phương tiện và điều kiện cho hoạt động đào tạo tại phân hiệu cũng có nhiều khó khăn và bất cập so với cơ sở chính. Nguyên nhân chủ yếu của các hạn chế trong quản lý của các trường đại học đa phân hiệu hiện nay là: cơ cấu tổ chức và cơ chế quản lý của các trường đại học đa phân hiệu chưa được hoàn thiện để không mâu thuẫn với lý thuyết quản lý một tổ chức; cho nên các khó khăn và bất cập trong phát huy các nhân tố tạo ra và đảm bảo chất lượng đào tạo và chất lượng các hoạt động khác của nhà trường. Công tác quản lý các phân hiệu của trường đại học đa phân hiệu chưa thực sự được tự chủ, tự chịu trách nhiệm ở các lĩnh vực quản lý tài chính, đào tạo, nhân sự... một cách phù hợp với lý thuyết quản lý một tổ chức; cho nên dẫn đến những khó khăn và thể hiện sự bất cập trong phát huy tính năng động sáng tạo trong huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực tại chỗ, phục vụ tốt cho hoạt động đào tạo. Đội ngũ cán bộ quản lý, các nhà khoa học, giảng viên và nhân viên tại các phân hiệu có tỉ lệ số lượng, cơ cấu, trình độ đào tạo thấp hơn nhiều so với cơ sở chính. Mặt khác, kiến thức cơ sở của sinh viên tại các phân hiệu thấp hơn nhiều so với cơ sở chính (do điểm chuẩn đầu vào). Từ đó dẫn đến những khó khăn và thể hiện sự bất cập đối với năng lực đào tạo của các trường đại học đa phân hiệu tại phân hiệu. Cơ sở vật chất và thiết bị đào tạo tại các phân hiệu nhìn chung vẫn còn thiếu thốn, ít các thiết bị đào tạo được chuẩn hóa đối với một số chuyên ngành đào tạo (nhất là thư viện và phòng thí nghiệm) và thiếu sự phục vụ kịp thời. Từ đó dẫn đến những khó khăn và thể hiện sự bất cập trong nâng cao chất lượng đào tạo và chất lượng các hoạt động phục vụ cho đào tạo tại các phân hiệu; thiếu sự cam kết của các trường đại học đa phân hiệu với cộng đồng và xã hội về phương thức đảm bảo chất lượng đào tạo và chất lượng các hoạt động khác tại phân hiệu, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu đào tạo nhân lực tại chỗ cho cộng đồng, góp phần vào công bằng và bình đảng trong thụ hưởng giáo dục đại học cho các địa phương, vùng miền có trụ sở phân hiệu. Các nguyên nhân dẫn đến thực trạng đó vừa là mâu thuẫn vừa là các khó khăn và vừa là những bất cập trong công tác quản lý của các trường đại học đa phân hiệu khi so sánh với lý thuyết quản lý một tổ chức và đối chiếu với thực trạng hoạt động của các trường đại học đa phân hiệu trong bối cảnh KT-XH hiện nay. Từ cơ sở lý luận và kết quả khảo sát thực trạng quản lý của một số trường đại học đa phân hiệu tại Việt Nam, chúng tôi đã đưa ra các quan điểm chủ đạo để đề xuất các giải pháp quản lý nhằm nâng cao chất lượng đào tạo tại các phân hiệu tương xứng với cơ sở chính, góp phần đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu xã hội về đào tạo nguồn nhân lực, thực hiện công bằng và bình đẳng về cơ hội thụ hưởng giáo dục đại học trong bối cảnh KT-XH của Việt Nam hiện nay là phải tìm cách thức xóa bỏ các mâu thuẫn, tháo gỡ các khó khăn và khắc phục các bất cập mang tính nguyên nhân làm giảm chất lượng các hoạt động tại phân hiệu. Từ các quan điểm chủ đạo trên, chúng tôi đề xuất năm biện pháp quản lý của các trường đại học đa phân hiệu ở Việt Nam trong bối cảnh KT-XH hiện nay là: 1) Hoàn thiện cơ cấu tổ chức và cơ chế quản lý 2) Thực hiện quan điểm phân cấp, phân quyền hợp lý nhằm nâng cao tính tự chủ và trách nhiệm giải trình của các phân hiệu. 3) Nâng cao năng lực đội ngũ và bổ sung kiến thức cơ sở cho người học tại các phân hiệu 4) Đa dạng hóa các nguồn lực nhằm đầu tư cơ sở vật chất và thiết bị đào tạo cho các phân hiệu được tương xứng với cơ sở chính. 5) Thực hiện cam kết với cộng đồng và xã hội về phương thức đảm bảo chất lượng đào tạo. Các giải pháp quản lý nêu trên đã được các chuyên gia đánh giá có mức độ cần thiết và tính khả thi cao nhờ phương pháp lấy ý kiến chuyên gia với hai hình thức chủ yếu là: tổ chức hội thảo khoa học và lấy ý kiến chuyên gia bằng phiếu hỏi. Như vậy, có thể kết luận rằng trong bối cảnh KT-XH hiện nay, các giải pháp quản lý trường đại học đa phân hiệu mà chúng tôi đã đề xuất trong luận án này nếu được áp dụng sẽ khả thi; góp phần hoàn thiện cơ cấu tổ chức và cơ chế quản lý, tăng cường các hoạt động đảm bảo chất lượng các hoạt động của trường đại học đa phân hiệu nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho sự nghiệp phát triển KT-XH của cộng đồng và xã hội, góp phần thực hiện bình đẳng và công bằng về cơ hội thu hưởng giáo dục đại học (học tập của người học) tại các vùng KT-XH còn có khó khăn

Nhận xét